Không ít sinh viên đã trở thành những “ông chủ”, “bà chủ” ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Tuổi trẻ của họ đã sống hết mình cho học tập và phấn đấu tìm kinh nghiệm để có một tương lai tốt hơn. Nhưng bên cạnh họ vẫn còn nhiều...
Trường phái những con ốc
“Năm thứ ba đại học nhưng em vẫn không biết gì về Hà Nội. Em nói thật đấy”. Đó là câu nói cửa miệng của Mai Lan, cô sinh viên ĐH Văn hóa, mỗi khi có ai hỏi. Hiện tượng này không phải là chuyện lạ đối với một bộ phận không nhỏ những sinh viên “sống khép kín” hiện nay. Ngày ngày họ tới trường và trở về với căn phòng trọ chật hẹp lo cơm nước rồi lại quẩn quanh trong phòng. Thuỳ Dung cô sinh viên quê Nghệ An tâm sự: “Ai cũng có cuộc sống riêng của họ mình không thích quấy rầy làm phiền họ...”. Hàng xóm của hai chị em Hoàng Lan (sinh viên năm thứ 3, ĐHKHXH&NV) và Hồng Minh (K45, CĐGTVT) cho biết: “Hễ đi học về là hai cô nàng lại đóng kín cửa”. Hỏi thì Hoàng Lan bảo: “Quan hệ nhiều làm gì vừa mất thời gian lại có khi phiền toái thêm…”. Cứ như thế chị bảo em, em bảo chị cuộc sống sinh viên sôi nổi của họ lặng lẽ trôi đi mà ngày nào cũng như vậy...
Cuối năm học vừa Oanh được các bạn “tôn vinh” là người ít nói nhất lớp. Chả là, suốt cả năm học lúc nào cô cũng ngồi một chỗ và chẳng chịu nói chuyện với ai từ đầu đến cuối buổi. Cuộc sống của cô cứ lặng lẽ trôi đi như thế. Mỗi khi cán bộ lớp giao cho làm gì thì cô vội từ chối: “Ôi mình không làm được đâu. Các bạn làm đi, nếu hỏng thì mình xấu hổ lắm...”.
Trường phái những con hổ
Bên cạnh những cô nàng, anh chàng “hướng nội”, “sống khép kín” không muốn làm phiền ai thì lại có những cô nàng, anh chàng “sống hết mình”, “yêu hết mình”. Thu Giang (ĐH Ngoại thương), cô sinh viên gốc Hải Phòng có nước da trắng, dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt khả ái được coi là người luôn biết “sống hết mình”. Cô cười: “Phải sống hết mình chứ! Cái gì cũng có giá của nó. Chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ…” Nói rồi cô nhảy lên sau chiếc xe của một anh chàng đi lẫn vào giữa dòng người. Còn N.M.H (ĐH Ngoại ngữ HN), quê ở Yên Bái đã chuyển sang sống cùng người yêu ở làng Phùng Khoang được gần 3 tháng. Hàng ngày đi học về, cô lo cơm nước, giặt giũ cho người yêu. Nhiều khi bạn bè thấy cô vội vã, tất bật như người đã có gia đình. Cô cho rằng: “Sinh viên sống cùng người yêu chẳng có gì lạ, bạn bè mình đưa nào yêu cũng thế…”.
Có lẽ cũng do quan niệm “yêu hết mình” mà Mạnh Cường (ĐH Xây dựng) đã trở thành khách quen của mấy cửa hàng cầm đồ gần trường. Cách đây không lâu cậu đã cầm chiếc xe Wave Alpha được 4 triệu đồng. Cường cho hay: “Với 4 triệu này chẳng biết em sẽ trụ được mấy hôm…”.
Và với những cô, cậu sinh viên tự coi mình là biết “sống hết mình”, “chơi hết mình”, “yêu hết mình” như thế họ đâu biết rằng mình đang rơi vào cạm bẫy. Những cạm bẫy ấy có thể dẫn tới những hậu quả khó lường….
Và những người năng động
“Từ ngày tham gia Phòng thông tin của Đoàn thanh niên nhà trường mình học hỏi được nhiều điều và cảm thấy tự tin hơn khi đứng trước đám đông trong mỗi cuộc họp hay thảo luận…” - Lê Quý Đông (K48, Khoa Báo chí, ĐHKHXH&NV) tâm sự. Lúc nào bạn bè trong lớp cũng thấy Đông tất bật với vai trò làm cộng tác viên của Vietnamnet, làm Phó giám đốc một công ty chuyên về quảng cáo và là một thành viên rất năng nổ, nhiệt tình.
Sau một mùa hè tham gia hoạt động tình nguyện Hoài Thương (K49, ĐH Thuỷ lợi) đã được các bạn tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn. Bằng rất nhiều đóng góp cho phong trào tập thể, cô đã thể hiện được mình là người có đầu óc tổ chức và rất nhiệt tình với bạn bè.
Bên cạnh Đông, Thương còn rất nhiều sinh viên năng động nhiệt tình với công việc trường, lớp đạt được rất nhiều thành tích trong học tập và hoạt động đoàn thể. Ngọc Cung, một trong số những sinh viên khiếm thị của lớp K48 Báo chí hệ tại chức, ĐHKHXH&NV, vẫn cần mẫn chăm chỉ học hành và làm thêm để giúp mình tiến bộ hơn. Anh tâm niệm: “Mình sẽ cố gắng học để trở thành một nhà báo, phần nào giúp đỡ những người khiếm thị như mình sống có ích như những người bình thường khác…”.
Mong rằng “những con ốc” “những con hổ” kia hãy có một phút nhìn lại mình để không bỏ phí những tháng ngày sôi nổi nhất của tuổi trẻ.
[Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 178, tháng 12/2005]
No Comment.